Tự trồng thủy canh tại nhà chưa chắc có rau ăn
Trồng không đúng cách, rau héo phải bỏ
Cụ thể, giá cà chua, dưa leo truyền thống khoảng 10.000 đồng/kg trong khi cà chua thủy canh là 23.000 đồng/kg và dưa leo là 30.000 đồng/kg. Giá bí đao thủy canh khoảng 20.000 đồng/kg trong khi giống truyền thống khoảng 7.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, nông phẩm thủy canh thường chỉ mua được trong các siêu thị lớn hoặc các cửa hàng chuyên doanh sản phẩm thủy canh.
“Mua rau thủy canh tại siêu thị giá khá cao mà cũng chưa chắc yên tâm, không biết có thật trồng thủy canh hay không, tôi mới bắt đầu tận dụng sân thượng hơn 30 mét vuông để trồng rau thủy canh tại nhà. Vừa có rau ăn một cách yên tâm, vừa có sân cảnh xanh mát”, anh Lâm Thái Dương (52 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ.
Theo hướng dẫn trên mạng, anh đã thực hiện trồng thủy canh bằng cách khoan lỗ vào các ống nhựa, mua hạt giống và pha dung dịch dinh dưỡng theo hướng dẫn trên bao bì nhưng vẫn không thành công. Rau cải, rau muống, rau húng trồng nảy mầm, ra lá nhỏ, héo vàng và phải bỏ đi trồng lại.
Sau hơn 3 tháng không có kết quả, anh Dương đã liên hệ đến một công ty cung cấp thiết bị và nguyên liệu trồng rau thủy canh.
Các kĩ sư giải thích lý do thì anh Dương mới hay nguyên nhân trồng thất bại của mình là do vị trí đặt ống không thích hợp nên không đón được ánh nắng đủ cho cây phát triển, liều lượng dung dịch dinh dưỡng và một số thao tác kỹ thuật của anh vẫn chưa phù hợp với từng loại rau nên không cho năng suất như dự định.
Rau trồng tại nhà chỉ để dành cho con trai 2 tuổi của chị Lê Hải Yến (32 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh). Lo sợ những thành phần trong dung dịch dinh dưỡng để trồng cây, chị Yến đã tự cắt giảm liều lượng của dung dịch dinh dưỡng khi hòa vào nước.
Kết quả, thay vì 1,5 tháng có thể thu hoạch rau cải thì phải gần 3 tháng chị mới có một mẻ rau cho con ăn. Tuy nhiên, do thời gian lâu, rau cải lớn nhưng lại bị quắt, héo vàng.
Cần nắm rõ phương pháp và kỹ thuật để không hoài phí
Theo kỹ sư nông nghiệp Hà Sỹ Tân, thủy canh là một phương pháp trồng rau có từ lâu, dung dịch có thành phần dinh dưỡng giúp cây trồng hấp thu và chuyển hóa thành các vật chất hữu cơ cho cơ thể cây trồng: thân, lá, rễ, hoa, quả,...
Cách trồng này được nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng đem lại hiệu quả về năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, mức đầu tư cho hệ thống nhà lưới, nhà kính, máy móc là cao, nên khi đưa ra thị trường giá thành sản phẩm có thể hơn so với các sản phẩm trồng trên đất,..
Ưu điểm của trồng rau thủy canh là không phải làm đất, không có cỏ dại; trồng được nhiều vụ, có thể trái vụ, không cần tưới; không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ dại, năng suất cao hơn từ 25% đến 50%; sản phẩm và quan trọng là không tích lũy chất độc, không gây ô nhiễm môi trường.
Nhược điểm duy nhất là chi phí lắp đặt hệ thống và nguyên liệu trồng rau thủy canh khá cao.
Sản xuất thủy canh chỉ sử dụng dung dịch dinh dưỡng và không sử dụng loại thuốc nào khác, hoặc chỉ sử dụng thuốc xử lý nấm bệnh ở giai đoạn cây con và vật dụng trồng. Đến giai đoạn thu hoạch, các loại thuốc này đã bị phân hủy hết và đảm bảo thời gian cách ly với từng loại thuốc nên an toàn khi sử dụng rau.
Dung dịch dinh dưỡng là dung dịch được pha với tỉ lệ thích hợp với thành phần là các nguyên tố cần cho sự phát triển cây trồng, cấu tạo lên các vật chất hữu cơ trong thực vật, xây dựng tế bào mô (N, P, K, Na, Ca…, các nguyên tố trung và vi lượng cần thiết).
Các loại dung dịch này có dạng dung dịch AB, dạng bột... Mỗi loại có cách pha chế và liều lượng khác nhau tùy vào loại cây cần trồng. Dung dịch đã qua sử dụng được cây trồng hút hết dinh dưỡng và trở thành dung dịch vô hại.
Để việc đầu tư trồng rau thủy canh tại nhà hiệu quả mà không hoài phí chi phí đầu tư, theo kỹ sư Tân, người trồng nên tham khảo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trồng thủy canh để được tư vấn về vị trí thích hợp, hướng nắng, điện, bố trí hệ thống ống nước, hạt giống và được hướng dẫn cách pha dung dịch dinh dưỡng đúng tỉ lệ an toàn.
Sau khi đã nắm rõ phương pháp và kỹ thuật trồng, người dân cứ theo đó áp dụng lâu dài để đảm bảo năng suất rau.
Ý kiến bạn đọc
Phóng sự về Phương pháp trồng rau thủy canh của Kỹ sư Nguyễn Văn Cao |
Dự án một hình thực nghiệm trồng rau thủy canh của Sở KHCN tỉnh Quảng Ngãi |