Tài tình biến rau quả nhiễm độc thành an toàn
Rau củ quả được phun thuốc "kích phọt", tắm trong thuốc bảo vệ thực vật độc hại đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân trong mấy năm gần đây.
Đặc biệt, nỗi sợ hãi khi ăn phải các loại rau nhiễm độc lại càng tăng lên khi vào thời điểm cuối tháng 10/2015, Sở NN&PTNT Hà Nội công bố, qua việc lấy mẫu kiểm tra, cơ quan này phát hiện 22% số mẫu rau ở Hà Nội có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Mới đây nhất, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Nguyễn Như Tiệp cũng thừa nhận, mặc dù các cơ quan chức năng đã mạnh tay trong hoạt động kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, song nhiều sản phẩm vẫn chưa đảm bảo chất lượng.
Theo ông, kết quả giám sát trên diện rộng trong 6 tháng đầu năm 2016 đã phát hiện gần 4% mẫu rau có tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Vậy, làm thế nào để giúp các loại rau củ, hoa quả giảm được độc hại quan sát bằng mắt thường không thể thấy được?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho hay, hóa chất bảo vệ thực vật được chia làm 2 loại: loại trị bệnh (nấm mốc) và loại trị sâu (các loại sâu, nhện).
Theo đó, tất cả các loại hóa chất bảo vệ thực vật đều độc hại, tuy nhiên, mức độ độc hại còn phụ thuộc nhiều vào liều lượng được dùng ít hay nhiều và thời gian cách ly dài hay ngắn.
Có loại thời gian cách ly để phân giải hết hàm lượng độc tố của thuốc chỉ 1 tuần, có loại thời gian cách ly tới cả tháng, thậm chí có loại không thể phân giải (tức loại thuốc bị cấm sử dụng).
Song, trong thực tế, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun lên rau, hoa quả, mọi người thường không tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật, chưa hết thời gian cách ly đã vội thu hoạch về bán. Theo đó, rau cỏ thường bị tồn dư một lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Kết quả, người tiêu dùng mua các loại rau quả có tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng về ăn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu rau quả chỉ bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở lượng nhỏ thì khi sơ chế có thể loại bỏ hết hàm lượng độc tố đi.
Cụ thể, lúc mua rau về sơ chế chỉ cần rửa thật nhiều lần dưới dòng nước đang chảy để các loại thuốc bảo vệ thực vật tồn dư tan ra và trôi bớt đi theo cùng dòng nước. Từ đó sẽ làm giảm lượng độc hại trong rau quả và con người có thể yên tâm ăn vì chúng tương đối an toàn.
Nhưng, một điểm cần lưu ý là khi rửa rau (nhất là các loại rau ăn lá), tuyệt đối không được vò, làm rau rập nát.
"Một số người có quan niệm rằng, khi rửa rau cứ rửa thật mạnh vì nghĩ sẽ rũ bỏ hết bụi bẩn và những thứ độc hại bám vào rau. Thế nhưng, hành động đó vô tình khiến rau dập nát. Hậu quả, các chất độc hại dễ dàng ngấm vào trong rau củ quả và người ăn sẽ ăn luôn cả các chất độc hại", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Với trường hợp thứ hai, khi ăn những loại rau quả có tồn dư chất bảo vệ thực vật cao, lâu ngày chúng sẽ tích tụ trong cơ thể và sinh bệnh. Cụ thể, tùy vào hàm lượng mà có thể dẫn đến việc suy gan, thận, thậm chí là ung thư.
"Tuy nhiên, nếu chúng ta sơ chế theo cách trên cũng sẽ làm giảm được một phần lượng độc hại còn tồn dư trong rau quả", PGS.TS Thịnh chia sẻ.
B.Phương (vietnamnet)
Ý kiến bạn đọc
Phóng sự về Phương pháp trồng rau thủy canh của Kỹ sư Nguyễn Văn Cao |
Dự án một hình thực nghiệm trồng rau thủy canh của Sở KHCN tỉnh Quảng Ngãi |